Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-01-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Đây là một trong những Nghị quyết chuyên đề khá toàn diện trên các lĩnh vực, làm tiền đề quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỉnh Kiên Giang đã kịp thời cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Hội nghị trực tuyến với các địa phương, bàn giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016–2020.
Về hạ tầng giao thông, bằng nhiều nguồn vốn, đầu tư trên 9.600 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, một số công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả như: Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 1); nâng cấp và mở rộng tuyến Quốc lộ 61 (đoạn Bến Nhứt - Cái Tư - Gò Quao), Quốc lộ 63; xây dựng và hoàn thành hệ thống đường trục, đường vòng quanh đảo và các tuyến đường nhánh trên đảo Phú Quốc; xây dựng mới thay thế cầu yếu trên tuyến Quốc lộ 80 và Quốc lộ 61; một số cầu như cầu đường 3/2, cầu An Hòa 2, cầu Rạch Sỏi, cầu Lạc Hồng (TP. Rạch Giá)... Đã huy động trên 2.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, đến nay có 100% số xã trong đất liền được nhựa hóa, bê tông hóa; đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt trên 60%, đến nay tổng số km đường giao thông nông thôn được cứng hóa 4.498/7.084 km.
Hệ thống đường thủy nội địa được đầu tư nạo vét, đảm bảo chạy tàu 24/24 giờ; hoàn thành bến cập tàu trên các xã đảo: Hòn Tre, Lại Sơn và An Sơn, Tiên Hải và Thổ Châu. Hoàn thành đưa vào khai thác Cảng biển An Thới; Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), công suất phục vụ 2,65 triệu khách/năm. Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc đang có các đường bay đi/đến: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Rạch Giá, SiemRiệp, Singapore, Stockholm – Thụy Điển, Nga, Quảng Châu – Trung Quốc.
Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cấp điện đạt được kết quả quan trọng. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011-2016: 4.623,9 tỷ đồng để tập trung triển khai đầu tư xây dựng mạng lưới điện quốc gia, nhất là đối với các xã đảo, vùng lõm, đặc biệt đã hoàn thành và đưa vào khai thác một số công trình điện quan trọng như: Đường điện cáp ngầm 110KV Hà Tiên - Phú Quốc; đường điện từ đất liền ra các xã Hòn Tre, Lại Sơn huyện Kiên Hải, xã Hòn Nghệ huyện Kiên Lương... góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đến cuối năm 2016 đạt 98,35%; đồng thời thực hiện tốt việc đầu tư điện phục vụ bơm tát phục vụ sản xuất và nuôi tôm công nghiệp, sản xuất lúa.
Hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được đầu tư khá, đã đầu tư nhựa hóa một số đoạn từ Mũi Nai – Kiên Lương đến Cầu số 2 xã Mỹ Lâm – Hòn Đất, xây dựng hơn 28 cống, cơ bản khép kín và chống xâm nhập mặn, đầu tư hoàn thành cống Sông Kiên, đang đầu tư cống Kênh Cụt...
Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tăng nhanh, nhất là phát triển nhà ở xã hội, đã có 1.638 căn hộ được xây mới; hỗ trợ xây mới 3.641 căn và sửa chữa 1.765 căn đối với người có công với cách mạng.
Các công trình hạ tầng quan trọng tại các đô thị như giao thông, điện, nước, thoát nước, cây xanh, môi trường, khu tái định cư… được tập trung đầu tư. Đến nay, thành phố Rạch Giá, Phú Quốc được công nhận đô thị loại II, Hà Tiên được công nhận đô thị loại III; thị trấn Kiên Lương đô thị loại IV; một số thị trấn được đầu tư xây dựng chỉnh trang và mở rộng như Gò Quao, Giồng Riềng, An Biên, An Minh, Hòn Đất…
Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cũng được tăng cường đầu tư. Đến nay, Khu công nghiệp Thạnh Lộc có 19 dự án triển khai đầu tư, tỉ lệ lấp đầy đạt 69,93% (giai đoạn 1); Khu công nghiệp Thuận Yên có 02 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, có 01 dự án đang triển khai xây dựng, tỉ lệ lấp đầy đạt 41,3%. Khu công nghiệp Xẻo Rô, đầu tư 02 Nhà máy điện sử dụng khí lô B Ô Môn, 02 dự án đóng tàu và chế biến thủy sản, tỉ lệ lấp đầy 75,8%.
Hạ tầng thương mại phát triển khá, giai đoạn 2011-2016 có 32 chợ được đầu tư xây dựng mới, 04 siêu thị tổng hợp, 02 siêu thị chuyên doanh; xây dựng mới 149 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 81 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.
Cơ sở hạ tầng thông tin phát triển theo hướng hiện đại, cung cấp các dịch vụ đa dạng theo chuẩn quốc tế. Phát triển mạng truy nhập băng thông tin rộng; nâng cao hiệu quả sự dụng công nghệ 3G, số thuê bao, cột, trạm BTS tăng nhanh. Mạng viễn thông nông thôn phát triển đến tất cả các xã, mạng di động phủ sóng 100% địa bàn tỉnh, dịch vụ cố định, các tuyến cáp quang đã được triển khai và internet tốc độ cao phát triển đến tất cả các xã. Mật độ sử dụng điện thoại đạt 114 máy/100 dân; thuê bao điện thoại hiện có trên mạng 2.057.484 thuê bao.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ được tăng cường đầu tư phát triển khá. Đã triển khai tốt các chương trình, đề án kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên, dạy và học ngoại ngữ, phổ cập mầm non, đề án phát triển khoa học và công nghệ… Đến nay, toàn tỉnh hiện có 195 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 28,8%), 593 đơn vị, trường học đạt chuẩn Xanh – Sạch – Đẹp và An toàn, chiếm tỷ lệ 87,59%; 145/145 xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%. Toàn tỉnh, hiện có 01 trường đại học, 03 trường cao đẳng, 01 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề và mạng lưới trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị, thành phố. Cơ sở vật chất về khoa học và công nghệ được tăng cường, giai đoạn 2012-2016 có 110 dự án/đề tài thủy sản, lâm nghiệp, môi trường, giao thông, thủy lợi, nhiều ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng vào sản xuất, chế biến, bảo quản.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mạng lưới y tế được đầu tư nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đội ngũ y bác sĩ được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng. Đã đào tạo 457 bác sĩ, dược sĩ, 259 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II. Từ 2012-2016 tập trung đầu tư các bệnh viện trong đó có các bệnh viện chuyên khoa và các cơ sở y tế với 82 dự án, trong đó có các Bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện Lao, Tâm thần, Sản – Nhi, Trung tâm Y học Hạt nhân và Xạ trị và Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang – quy mô 1.020 giường, Khoa Nội B. Các trang thiết bị đã được đầu tư tốt, khai thác tối đa khả năng sử dụng, tỉ lệ % sau đầu tư so với danh mục quy định của Bộ Y tế đều đạt từ 90% trở lên. Toàn tỉnh có 593 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh ngoài công lập, góp phần đáng kể vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, trùng tu, tôn tạo và phục dựng di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư. Đến nay đã đầu tư nâng cấp 09 trung tâm văn hóa thể thao, 21 trung tâm văn hóa xã.
Nhiều công trình đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch đã được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng như: Khu du lịch Mũi Nai, tuyến luồng vào vũng quay tàu cảng Bãi Vòng Phú Quốc, đường Hành lang ven biển phía Nam, đường Nam - Bắc đảo, hệ thống đường giao thông quanh đảo Phú Quốc; các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch đang triển khai đầu tư như: Công viên Văn hoá An Hòa, Di tích mộ và đình Nguyễn Trung Trực, Di tích núi Bình San, đường vào hang Tiền, đường quanh núi Hòn Đất, Khu du lịch Hồ Hoa Mai – U Minh Thượng,... Các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo, kết hợp bảo tồn với phục vụ tham quan du lịch như Di tích Ba Hòn, Nhà tù Phú Quốc...
Nhìn lại sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW (khóa XI), kết quả đạt được rất quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hình thành khá đồng bộ cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được mở rộng, bộ mặt đô thị được chỉnh trang; hệ thống trường học, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế xã được kiên cố hoá, nâng cấp, đầu tư mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân; bưu chính viễn thông phát triển khá, được trang bị hiện đại đảm bảo thông tin thông suốt; điện lực phát triển khá cơ bản đảm bảo điện năng cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn đưa vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy có nhiều cố gắng tập trung đầu tư phát triển nhưng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phát triển còn chậm, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Công tác dự báo còn hạn chế, dẫn đến bất cập trong phát triển hạ tầng, bất cập giữa ngành với ngành, giữa địa bàn này với địa bàn khác chưa gắn kết, chưa đồng bộ. Công tác quy hoạch, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, chỉnh trang đô thị còn hạn chế, huy động vốn đầu tư xã hội tham gia còn ít. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là ở nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hệ thống khu, cụm công nghiệp chậm được hoàn chỉnh để đi vào khai thác. Mạng lưới giao thông chưa đồng bộ, nhất là hệ thống cảng sông, cảng biển, thủy lợi, hạ tầng một số lĩnh vực kỹ thuật khác chưa hoàn chỉnh...
Một trong những nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện Nghị quyết là công tác dự báo chưa cao, chậm cập nhật điều chỉnh, bổ sung mới các quy hoạch, dẫn đến một số quy hoạch còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn; kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia còn ít, chủ yếu tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13-NQ/TW của Trung ương trong thời gian tới, mới đây tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, bàn giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016–2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã lưu ý các sở, ngành và địa phương trong thời gian tới: Tập trung rà soát lại các quy hoạch “giữa quy hoạch ngành với ngành”, “quy hoạch giữa nội bộ ngành” để kịp thời cập nhật những nội dung mới, loại bỏ những quy hoạch không còn phù hợp để các quy hoạch được đồng bộ; tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là các công trình, dự án đầu tư năm 2017; nghiên cứu đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực nhằm tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là khai thác tốt từ quỹ đất ở các địa phương; đa dạng hóa các hình thức kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý, chuyển nhượng một phần quyền khai thác như cảng biển, cầu nông thôn, y tế, giáo dục... cho các nhà đầu tư; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách để phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho ngành, địa phương; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kêu gọi sự hưởng ứng tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân vào công tác quản lý, điều hành của chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Nguồn tin: Website UBND tỉnh Kiên Giang